Câu châm ngôn:

Tự nói rằng:
"Không ai tắm 2 lần trên một dòng sông và tôi cũng không yêu ai lần thứ 2."
By Chi_bao

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2009

Anh hùng cũng mưu sinh- Nguyễn Thị Chiên


Sau gần 30 năm đất nước giải phóng, Đất nước ngày càng phát triển và hiện đại, thế nhưng bóng dáng những người nữ anh hùng năm xưa trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy lại khuất sau sự hiện đại nhộn nhịp của lớp thế hệ trẻ. Cũng phải, vì họ vốn là những con người bình thường, bình dị và thanh tao, họ hi sinh thầm lặng, họ sống cho đất nước được ngày hôm nay. Trong cuộc sống hòa bình ấy, họ trở về với cuộc sống của chính họ, với những lo toan của người làm cha làm mẹ, với những sự tĩnh lặng thư thái của chính lòng mình, họ thấy vui vì mình là những hạt nhân sống có ích như những lớp người đi trước đó.

Kỷ niệm khó quên
Đọc bài báo về người nữ anh hùng vũ trang đầu tiên của nước Việt Nam- Nguyễn Thị Chiên tôi càng tò mò về bà nhiều hơn, không phải vì những chiến công cũng không phải vì thành tích bởi đã có lịch sử ghi chép. Chỉ vì tò mò muốn biết cuộc sống hiện tại của những con người đã một phần làm nên lịch sử đó.
Tìm gặp bà- người nữ anh hùng năm xưa. Ngôi nhà nằm sát mép sông Hồng ( khu vực cầu Long Biên), khu đất mà trước kia gắn với một cái tên “tam giác quỷ”. Người phụ nữ ấy giờ cũng đã lớn tuổi tầm 70 rồi, đầu buộc chiếc khăn vàng ra mở cửa đón khách, tôi để ý tóc bà đã bạc trắng, nước da xạm với nếp nhăn sâu hiện rõ trên khuôn mặt. Có một điều nếu để ý, bà có vầng trán khá rộng và cao, nhìn xuống bức ảnh hồi con thanh xuân của bà ở dưới tấm kính của cái bàn, tôi thấy nét tinh nghịch, nhí nhảnh với mái tóc bện hai bên. Rót chén nước trà rồi lấy cho chúng tôi xem tất cả những tư liệu ảnh mà bà cất giữ bao năm tháng, rất nhiều tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ, Cố Tổng bí thư Trường Chinh, anh hùng Núp, Cố tổng bí thư Phạm Văn Đồng và mới nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp . Khi biết chúng tôi cùng quê với bà, bà vui mừng chia sẻ với chúng tôi. Có nhiều kỷ niệm mà bà chưa từng nói với ai, thẹn thùng bà kể về chuyện trăm năm giữa bà và người chồng mẫu mực: “Ngày cưới tôi thì bác Trường Chinh- Tổng bí thư có gửi thư chúc mừng. Tấm card visit hồi đó vẫn còn giữ”,rồi bà mang ra cho chúng tôi xem .Tất cả là những kỉ niệm, những dấu ấn không thể nào quên, “ nhưng chúng nó( con cháu bà) cũng chả hiểu được là ông bà rất quý”, bà hơi thoáng buồn trầm ngâm nhưng khi bà và chúng tôi cùng nhìn cái tấm card đó thì lại vui vẻ. Tấm card hình chữ nhật màu trắng đục, khoảng 7x10 cm, chỉ có dòng chữ đơn giản: Trường chinh Tổng bí thư đảng lao động Việt Nam” được căn lề giữa, tấm card đã bị phai màu thành màu trắng đục, các mép đã nham nhở những chỗ rách, cũng không còn nguyên vẹn nhưng nó lại rất có giá trị với bà, đằng sau là lời ghi chúc mừng của Tổng bí thư Trường Chinh ghi rõ ngày 07-6-1955…
Cứ như thế, câu chuyện của bà được hé mở với chính khách lúc nào không hay, tập ảnh của bà mang ra càng ngày càng dầy, khi được hỏi thì bà lại cầm và đưa mắt lại gần bức ảnh để tìm lại kí ức. Thời gian cứ thế trôi, quên đi thời gian hiện tại, bà bắt đầu kể…

Cuộc sống đời thường bao vất vả,khó khăn
Năm bà mới xuất ngũ, bà được cấp một khu nhà tập thể đường Lê Duẩn với diện tích 10-12m vuông, thời gian đó bà nuôi lợn rồi nuôi gà để mưu sinh. Ngoài giờ phục vụ trong đơn vị bà về nhà tranh thủ tăng gia sản xuất, nuôi thêm gà thịt bán buôn cho cánh chợ búa. Những lứa gà cứ thay nhau được xuất đi và bà lại có thêm chút vốn liếng. Gà nuôi chuồng bé phải chia làm ba bốn tầng để nuôi, ngày ngày phải dọn phân gà hai ba lần thì mới nhanh lớn, không bị bệnh. Lứa nào gà tốt thì bán được giá cao còn không thì cũng chỉ đủ tiền mua mớ rau, quả mướp. Vất vả, cực lắm nhưng bà vẫn vui, bà kể: “nhiều lúc mải chăm gà quá nên cũng quên cả ngày tháng, cứ đến đúng ngày hẹn thì bà phải giao lứa đó, lúc ấy bà còn trẻ khỏe nên cứ làm băng băng chẳng thấy đau nhức gì”. Căn nhà ngày một hẹp đi, bà viết đơn xin với cấp trên cho nhượng lại căn nhà ấy cho một cặp vợ chồng bộ đội mới cưới chưa có nhà để chuyển đến căn nhà mới rộng hơn. Tổ chức đồng ý cho ông bà dọn về căn nhà mới. Bà chuyển lên phố Huế, bắt đầu nuôi chó xù( một loại chó của Đức rất có giá ở Việt Nam bấy giờ). Bà kể rằng: “Lúc đó loại chó này rất hiếm bà phải sang Đông Anh mua được một con chó bông xù trắng tinh của ông công an với giá 2 triệu 1 con chó cái”. Trước bà có mua của người khác với 1 triệu rưỡi, nhưng bị lừa, bà mua phải con chó đốm đen ở lưng, một tuần về sau thì mới phát hiện ra nó bị nhuộm thành trắng chứ thực ra nó màu đốm, mà loại chó này lại rất rẻ. Bà đành nhờ người bán vớt đi được mấy trăm nghìn để có chút vốn liếng, cộng với số tiền quân đội cấp tất cả là 900 nghìn, để mua con chó của ông công an thì bà phải vay thêm tiền. Khoảng thời gian nuôi chúng rất khó khăn, vì giống chó này ko quen ăn thức ăn ở Việt Nam nên gia đình bà phải nhịn ăn để mua thịt bò về nuôi. Lứa đầu đẻ 6 con tất cả: 4 con cái và 2 con đực , bà bán với giá 2triệu con cái, 1triệu con đực. Lứa đầu thì có lãi nhưng về sau trong quá trình phối giống thì bị lại giống, bà phải bát vớt. Bà bỏ nghề này từ đó. Bà bỏ nghề bán chó đi bán vé số, chép miệng bà bảo: “mình hồi đó cũng may mắn. Khi bán vé số, những người đồng đội bạn bè cũ nhận ra mình nên đã mua rất đông”, và khi có vốn kha khá ông bà sang khu Long biên( mép song Hồng) mua mảnh đất 110m vuông với giá 50 triệu. Còn lại 60 triệu ông bà định để xây nhà, nhưng thời đó vật liệu đắt đỏ nên ông bà quyết định xây dần dần từng đợt: năm nay xây 1 cái móng, năm sau xây nhà, rồi sân, vườn… để kiến thiết dần dần. Thời gian đó chưa xây được cửa và tường rào, khu đất bà ở được mệnh danh là tam giác quỷ của HN, hoang sơ, rậm rạp, tệ nạn… an ninh ko được đảm bảo, ông bà thì cũng đã lớn tuổi . Để tự vệ cho bản thân , ông bà mua mỗi người một cái đèn dầu để thắp sáng vào ban đêm, về sau ông bà cũng chặt thêm cái gậy tre để đề phòng. Nói đến đoạn này, bà có lấy ra ở ngăn bàn cái gậy tre thời đó mà bà còn lưu giữ lại, trông nó chắc, ngắn và nhỏ y như cái dùi cui - một loại vũ khí được trang bị cho cảnh sát giao thông. Bà nói: “đó là những kỳ vật, nó đã gắn bó với bà”, bà vừa cầm vừa vung tay khoe với chúng tôi. Khoảng thời gian này kéo dài 3-4 năm sau ông bà mới mua được bộ cửa , từ đó nỗi lo toan của ông bà cũng được giảm đi phần nào. Khu đất đó giờ chính là ngôi nhà theo ông bà suốt từng ấy năm, thuộc xóm 1 cụm Yên Tân - Ngọc Thụy - Long Biên - Hà Nội.

Tấm lòng cao cả

Thời kháng chiến, bà đã từng bị bắt và tù đày, chịu khổ sai, nhưng ông bà cũng có một cô con gái, lúc đó cô ấy cũng lập gia đình và có đứa cháu, rồi gia đình mâu thuẫn. Khoảng thời gian đứa cháu bà đc 20 tuần tuổi thì hôm đó ông bà đi làm về và thấy con gái bị ngất lịm đi vì chồng đánh, máu chảy đầy nhà( lúc bà còn ở phố Huế) rồi bà đưa con vào bệnh viện, sau đó ông bà nhận nuôi cháu nhỏ để cho con gái có thời gian đi học, làm việc vì lúc đó con gái bà cũng khoảng 20 tuổi, bà nuôi cháu từ bấy đến giờ 21 năm. Trong suốt thời gian đó, với đồng lương của ông bà cũng đủ để nuôi cháu, còn con gái bà cũng không thể chu cấp hay mua sắm gì cho cháu, năm nay học năm 2 viện Đại học Mở Hà Nội. Thời gian này, bà cũng nhận nuôi thêm một cháu họ ở quê ( Thái Bình) trong suốt thời gian học đại học, “ giờ thì nó đã ra trường và có việc làm ổn định rồi, mình cũng không bận tâm gì nữa”.
Cả một đời sống vì đất nước, sống vì con cháu, bà cũng giành thời gian cho riêng mình. Bây giờ trở về với cuộc sống đời thường bao vất vả và gian truân bà vẫn luôn sống làm chỗ dựa cho chồng, con và cháu. Quá khứ đã qua đi, có kể lại thì cũng mang tâm lý của những người cùng lứa, cùng hoàn cảnh, nhưng cái sức mạnh tinh thần ấy đã được truyền đi một cách mầu nhiệm, bí ẩn. Kể nhiều chuyện đời sống và các câu chuyện đơn giản ấy của thời cuộc đã tạo nên con người. Trong thời gian bà ở nhà bà cũng tham gia các hoạt động của phường, đồng đội, đơn vị như sinh hoạt với hội đồng hương của thị trấn Thanh Nê- Kiến Xương- Thái Bình. Bà đi thăm các bộ tư lệnh tăng thiết giáp, thăm lại chiến trường xưa, kể chuyện thời kháng chiến. bà cũng thường xuyên đến thăm hỏi động viên với gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp, với bà đại tướng còn là một người đồng chí, người anh cả. Ra về, người phụ nữ ấy chọc khế làm quà cho tôi, đôi mắt nheo tịt lại để với lên những quả xa nhất bị lẫn trong cái màu của lá, ấy thế mà có khi tôi cũng chẳng nhìn ra được…
Chi Bảo
(Phạm Thị Khuyên -K51
Báo chí và truyền thông- ĐH KHXH& NV- HN)
Đt: 0985123823


Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Anh hùng Nguyễn Thị Chiên. Quê : Xã Tán Thuật- Kiến Xương - Thái Bình. Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Năm 1952,Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng khẩu súng ngắn của Người. 1984, được phong quân hàm trung tá.

Ảnh 2: Bà Nguyễn Thị Chiên đến thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp 2009 ( từ phải qua trái: bà Chiên, Đại tướng, phu nhân Đại tướng)
Ảnh 3: Niềm vui khi chú chó xù- con vật cưng của mẹ Chiên đẻ được lứa đầu tiên

(ảnh2, 3 được sử dụng do Bà Nguyễn Thị Chiên cung cấp)

3 nhận xét:

  1. Chết, khen bài này viết hay nhưng lại comment xuống bài dưới. ^^. Nhưng cả hai bài đều hay!
    P/S: mỗi tội bài này em thấy chị dùng hơi bị nhiều từ "cái".

    Trả lờiXóa
  2. uh, chị cũng chưa ưng bài này lắm mà. vì kể nhiều hơn. hic mới lại mình còn trẻ chưa đủ trình để viết phóng sự sâu :)

    Trả lờiXóa
  3. Chào Chi, anh rất muốn được liên lạc với em để tìm địa chỉ đến thăm cô Chiên.

    Cảm ơn em nhiều lắm.

    Anh Cao Nhật, cựu phóng viên Ban Chính trị Báo VietNamNet

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails

Người theo dõi