Rất đông bạn yêu thơ, giảng viên các trường đại học: Văn Giá, Hồ Bất Khuất, Nguyễn Hùng Vỹ, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Xuân Diện; các nhà phê bình văn học: Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn; nhà thơ Tạ Vũ, Nguyễn Đăng Luận... cùng sinh viên đến dự chật kín thư viện cà phê Đông Tây. Chương trình do nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên giới thiệu và dẫn chương trình.
Tập thơ gồm 56 bài, gồm cả 9 bài dịch, theo như Hồng Hải tâm sự: “ nếu bạn đọc tập thơ thì đó chính là con người mình, suy nghĩ và tình cảm. Không một chút tả cảnh, là những tình cảm với công việc, với quê hương, mảnh đất đã từng đi qua. Đề tài quen thuộc vẫn là tình yêu, người thân như cha, mẹ, những người đồng nghiệp, bạn bè gắn bó…”
Cả tập thơ là một lối viết không giật gân, không màu mè, không cầu kỳ và cũng không lạ hóa, khó hiểu. Nó mang âm điệu nhẹ nhàng, tình tứ, đằm thắm, thiết tha của những gì là truyền thống. Thơ Nguyễn Hồng Hải đã tạo một kích thích cho người đọc bởi những ngôn từ dung dị, trong sang, Hồng Hải chiêm nghiệm: “ không có cách viết phá cách, không cầu kỳ, mà cái đọng lại của thơ chính là cái tình:
“Hình như
đã chán khóc rồi
Hình như
đã mỏi miệng cười
người ta
Bầu ơi
bí đã đơm hoa
Con ông hút nhụy
cũng xa bay rồi
Xòe tay
dưới ánh mặt trời
Gặp li ti
tiếng khóc, cười
nhân gian...
(Chuyện nhân gian...)
“Tôi viết thế nào
Về nỗi đắng cay
Phận người nham nhở
Về thói hợm hĩnh cậy của
Những kẻ khom lưng chạy chức, quyền,
háo danh phủ lên người bằng cấp mua, xin...
.........................................................................
Tôi viết thế nào cho hết một ngàn năm trăm đồng tiền mực
Khi ngày ngày
Nhẫn nhục
Bất lực
Chăm chắm
Nhìn vào cây bút
Và để ngọn bút loay hoay đào huyệt giấy phủ lên mình...”
(Tự vấn ngày 21.6)
Nguyễn Hồng Hải không làm thơ nhiều, chỉ làm thơ để cho mình, cho bạn bè. Có thể nói tập thơ Mùa ban mai này, anh đã cho chúng ta thấy: Thơ chính là cảm xúc của lòng, là những hỉ, lộ, ái, ố và tất nhiên nó đều “khởi sinh từ trái tim mình” mà ra.
Chi Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét